Cam Cao Phong: vàng thơm dịu ngọt “nức tiếng” đặc sản Hòa Bình

Cao Phong – một huyện trung tâm của tỉnh Hòa Bình, nổi tiếng với sự phát triển kinh tế với nghề trồng cây có múi. Một thức quả gắn liền với địa danh mà mỗi khi nhắc đến tên thì bất cứ du khách xa gần nào cũng “gật đầu” đắc ý, đó chính là cam Cao Phong.

Vậy liệu chúng ta đã được biết đến nguồn gốc hay hành trình tạo nên thương hiệu cam “nức tiếng” này chưa? Bài viết dưới đây Thung Cha Organic xin phép được lý giải tới tất cả quý độc giả.

Cây cam đã thể hiện được sức sống mãnh liệt trên mảnh đất Cao Phong ngọt lành qua bao năm tháng gian truân. Nhắc đến Cao Phong, không thể không nhắc đến sản vật đặc trưng nhất của nơi này: Cây cam với vị ngọt thơm đặc biệt được kết tinh từ “đất – nước – gió” mang tên “cam Cao Phong”

Cây vàng trên đất Cao Phong

Nói về nguồn gốc của cam Cao Phong thì đây là loại trái cây được được phát triển từ đầu những năm 1960, cây cam được phát triển tại huyện Cao Phong do Nông trường Cao Phong (nay có tên là Công ty TNHH MTV Cao Phong) đưa vào trồng đại trà. Trong chu kỳ 1 của cây cam, diện tích cam của Nông trường Cao Phong lúc bấy giờ lên tới 900 ha, sản lượng cao nhất năm 1976 đạt tới 3.000 tấn và được xuất khẩu sang thị trường Liên Xô cũ gần 50% sản lượng.

Như vậy, chất lượng của cam Cao Phong đã được khẳng định từ mấy chục năm trước. Sau đó, do nhiều nguyên nhân, cam Cao Phong rơi vào thời kỳ thoái trào, một số lượng cam lớn do sâu bệnh mà bị đốn sạch. Đến tận những năm 1990, cơ chế khoán hộ trong sản xuất mới thực sự trả lại tên cho cam Cao Phong. Các hộ nông dân sau khi nhận khoán đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng KH -KT vào sản xuất, diện tích, sản lượng và chất lượng cam Cao Phong tăng dần, nối lại niềm tự hào trong quá khứ.

Do phù hợp với điều kiện khí hậu, nông hóa và thổ nhưỡng mảnh đất Cao Phong nên không chỉ duy trì được những đặc tính di truyền tốt của giống gốc mà còn thể hiện một số ưu thế về chất lượng nổi bật. Mỗi giống cam cho ra những sản phẩm đều có đặc tính riêng nhưng đều giống nhau ở vị ngọt đậm đà cùng mùi thơm đặc trưng và cam Cao Phong cũng mang mùi vị riêng như vậy.

Cây cam đã thực sự trở thành cây vàng trên đất Cao Phong, là cây chủ lực làm giàu và phát triển cho hàng trăm hộ nông dân trong huyện khi mang lại hiệu quả kinh tế nổi bật và tính ổn định cao. Những năm trở lại đây, cây cam, quýt đã liên tục tăng về cả diện tích lẫn sản lượng. Năm 2010, diện tích 557 ha, sản lượng đạt 9.000 tấn. Năm 2013, diện tích là 920 ha, sản lượng đạt 16.000 tấn. Theo thống kê, hiện tại bình quân 1 ha cam có tổng giá trị thu nhập khoảng 600 triệu đồng, trừ chi phí, người nông dân thu 2/3. Điển hình như trong năm 2013, toàn huyện có trên 160 hộ trồng cam có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, 16 hộ có thu nhập từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng từ việc bán sản phẩm – Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng NN &PTNT huyện Cao Phong chia sẻ.

Cam Cao Phong cùng bài toán phát triển thị trường

Trong bối cảnh thị trường hiện nay, cam Cao Phong đã và đang ngày càng chứng tỏ được ưu thế vượt trội so với các loại cam trên thị trường. Quả có mẫu mã đẹp, mọng nước, vị ngọt thanh mát riêng biệt nên rất được ưa chuộng. Với nguồn gốc từ một huyện miền núi thuần nông, mảnh đất Cao Phong với sự phát triển mạnh mẽ của cây cam đã không chỉ trở thành vựa cam của tỉnh Hòa Bình nói riêng mà còn là một điển hình thành công trong phát triển cây có múi của cả nước nói chung.

Cam Cao Phong tại hội chợ nông sản
Cam Cao Phong tại hội chợ nông sản

Nói đến những năm 2000, giá cam Cao Phong bán ra thị trường chỉ dao động trên dưới mức 3.000 đồng /kg. So với các sản phẩm cam đã có tiếng như cam Vinh, cam Hà Giang…, cái tên “cam Cao Phong” lúc bấy giờ còn khá mới lạ trên thị trường tiêu dùng. Do đó, dễ nhận thấy cam Cao Phong mặc dù sở hữu chất lượng không hề thua kém các đặc sản vùng miền khác nhưng vào thời điểm đó, thương hiệu chưa được phổ biến trên thị trường lớn.

Với mục tiêu quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, huyện Cao Phong đã hoạch định lộ trình cụ thể với những giải pháp đồng bộ. Kết quả là vào năm 2007, sản phẩm cam Cao Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu thương mại (do Công ty Rau quả Nông sản Cao Phong quản lý và khai thác). Bên cạnh đó, sản phẩm cam tươi của Công ty được khẳng định có chất lượng tốt và đã đạt Cúp vàng Hội chợ Agro Việt do Cục VSATTP cấp, được tạp chí Thương hiệu Việt bình chọn nằm trong top 100 thương hiệu Việt năm 2009 sau khi vượt qua hơn 1.000 doanh nghiệp trong cả nước. Ngoài ra, thương hiệu Cam Cao Phong được Hội Sở hữu trí tuệ Việt cấp bằng công nhận nhãn hiệu cạnh tranh Việt vào cuối tháng 6/2010.

Nói về nguồn gốc cam Cao Phong cũng như để tạo dựng nên thương hiệu của “thức quả” danh tiếng này thì thực sự đó là một “hành trình” của những người dân mảnh đất Cao Phong hùng vĩ. Bằng tất cả những gì mà thương hiệu cam Cao Phong đã và đang đạt được, hi vọng trong tương lai thương hiệu này sẽ tiến xa và cao hơn nữa, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của mảnh đất Cao Phong nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung.

Nguồn: Thung Cha Organic

Chat hỗ trợ
Chat ngay