Cam V2 có tên gọi đầy đủ là cam Valencia, là loại giống được tạo từ giống Valencia Olinda, làm sạch bệnh qua vi ghép, cây mới tạo ra có khả năng thích nghi rộng, khả năng kháng sâu bệnh tốt, năng suất ổn định hơn giống cây mẹ và các giống hiện có trong nước. Cam V2 cũng chính là giống cây trồng thay thế cho Cam Vinh hiện nay.
Đặc điểm giống cây cam V2
Giống cam V2 có nhiều đặc tính nổi trội hơn so với nhiều loại giống cam đang có trên thị trường. Cam V2 có vị ngọt sắc, mọng nước, số múi trung bình trên một quả là 11, tỷ lệ xơ thấp, mùi thơm đặc trưng, ít hạt. Quả cam V2 dễ bảo quản, có thể bảo quản được lâu trên cây mà vẫn đảm bảo được chất lượng và thành phần của quả. Khối lượng quả trung bình từ 200-250g/quả. Có thể lưu giữ trên cây lâu mà không bị giảm chất lượng, vỏ quả vàng đẹp với độ dày trung bình 3,0 mm, lõi quả vàng ươm, số múi trung bình trên quả là 11, hàm lượng nước cao, tỷ lệ xơ thấp, chất lượng thơm, ngọt đậm, ít hạt, khả năng kháng bệnh (bệnh loét, chảy gôm, nấm đen gốc, khô cành) tốt hơn so với các giống hiện có trong nước.
Cây cam V2 sinh trưởng phát triển mạnh, khả năng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt tốt, kháng bệnh tốt, khả năng đậu quả cao. Cây cân đối, phân cành đều.
Lưu ý khi thu hoạch: cần thu hoạch kịp thời, khi quả dần chuyển màu là thu hoạch được. Khi hái quả nên dùng kéo cắt cuống quả, không làm xây xát vỏ quả và gãy cành và phân loại trước khi cất giữ hoặc đem bán trên thị trường để đảm bảo được tất cả các yêu cầu giữ được phẩm chất của cam V2.
Thời vụ trồng: tốt nhất là mùa xuân (tháng 2-4) và đầu mùa mưa.
Kỹ thuật trồng cây cam V2
Giống cây cam V2 (Valencia-2): Là một giống cam được Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo, làm sạch bệnh qua vi ghép, cho năng suất và chất lượng vượt trội. Giống cam V2 này có những đặc tính ưu việt hơn so với các giống cam đang trồng ở nước ta như cây khoẻ, khả năng thích nghi rộng, kháng bệnh tốt, phân cành đều, cây ra tán cân đối, khả năng ra hoa đậu quả cao, quả gần như không có hạt, dễ bảo quản và thời gian bảo quản trên cây dài, thành phần và chất lượng nước cao, là giống cam ngọt chín muộn.
Trong quá trình trồng và chăm sóc, người nông dân được chính quyền địa phương và cán bộ kỹ thuật thuộc các cơ quan chuyên môn thường xuyên trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây cam V2 và cây Táo Siêu Quả (PK1) để đánh giá khả năng thích nghi, hiệu quả kinh tế của chúng làm cơ sở nhân rộng và quy hoạch vùng trồng đại trà trên địa bàn tỉnh.
Kỹ thuật trồng:
- Đào hố: hố trồng cam có kích thước 0,6 x 0,6x 0,6m , khi đào hố cần lưu ý để lớp đất mặt về một phía, lớp đất phía dưới về một phía. Sau khi đào hố xong, hố được phơi khô ít nhất là 15 ngày, dùng 1kg vôi bột rắc xung quanh hố. Ở các vùng đất cứng, thoát nước kém hố đào sâu có thể trở thành vũng nước mưa, gây nghẹt rễ, cần có biện pháp thoát nước.
- Chuẩn bị phân bón lót: Mỗi hố bón từ 30-50kg phân chuồng hoai mục + 1kg lân cám + 1kg vôi bột + 5 – 10 kg xỉ than trộn với lớp đất phía dưới cho vào hố. Trồng xong nên phủ gốc để chống thoát hơi nước và cỏ dại, phủ cách gốc 10cm.
Hướng dẫn chăm sóc cây cam V2
- Làm cỏ: tất cả cỏ xung quanh gốc cần được nhổ sạch. Phần đường lô nên chỉ cắt cỏ để giữ ẩm, chống xói mòn đất và là nơi cư trú của côn trùng có ích trong vườn cam.
- Bón phân: Bón phân nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây bao gồm nguyên tố đa lượng (N, P, K, Ca), các nguyên tố vi lượng (Bo, Cu, Zn, Mn, Mg…) để cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao, tăng cường khả năng chống chịu sâu bệnh hại. Hàng năm cần bón bổ sung 30- 40kg phân chuồng hoặc phân hữu cơ/cây kết hợp với bón phân hoá học. Cách bón: Đào rãnh sâu 25-30cm theo tán cây, bón rồi lấp đất lại và tưới nước.
- Tỉa cành tạo tán: Sau khi trồng cây đã ổn định tiến hành cắt cành ngọn để tạo tán cho cây phát triển thành 3-4 cành cấp I theo 4 hướng, từ mỗi cành cấp I lại để 3-4 cành cấp II… Các cành vượt cũng thường xuyên cắt tỉa (chú ý cắt sát thân cành để tạo mô sẹo); Cành mang quả nhiều cũng cần tỉa quả để quả phát triển đồng đều.
- Tưới nước: Sau khi trồng nên tưới nước 2-3 lần nếu trời không mưa để tạo điều kiện cho rễ phát triển. Ở những nơi có hệ thống tưới cần chú ý tưới cho cây ở thời kỳ phát lộc hoặc sau các đợt bón phân.
Chống tái nhiễm bệnh: Thường xuyên thăm vườn, cắt cành hoặc chặt bỏ cành, cây có triệu chứng bệnh greening và các bệnh virus khác; Phun thuốc trừ sâu nội hấp khi phát hiện rầy chổng cánh (Diaphorina citri) môi giới truyền bệnh greening và rệp aphid môi giới truyền bệnh Tristeza (đặc biệt chú ý các đợt ra lộc).